TÍNH DUY LÝ CỦA CÁC MỐI NỐI TRONG KIẾN TRÚC


Ths.KTS Nguyễn Khanh Toàn

“khi tạo ra bất kỳ đối tượng cấu trúc nào con người đều khao khát không chỉ đạt lợi ích hiệu quả cụ thể, mà còn mong đạt tới một hiệu quả thứ cấp làm cho tri giác và nhận thức trở nên rõ ràng”.
-Đoàn Khắc Tình-
Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết Kiến trúc và Design,
Nhà xuất bản giáo dục,1999.

Kiến trúc hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, phản ánh nhu cầu của cuộc sống và quan niệm thẩm mỹ của con người qua từng thời kỳ, đồng thời tương tác đến nhận thức, ý niệm của chúng ta về thẩm mỹ và giá trị. Nó đối thoại với con người trong hầu hết các khoảng thời gian của cuộc sống. Do đó, sự hợp lý trong kiến trúc từ các chi tiết mối nối liên kết đến hình thức giao cắt nhau của các khối, mảng, tuyến, diện là một sự đòi hỏi chính đáng. Điều đó tạo một cảm giác dễ chịu, an tâm, hợp lý trong tâm thức và ý niệm của người sử dụng, người thưởng ngoạn, hay người đối thoại với công trình kiến trúc nói chung.
Các chi tiết mối nối trong kiến trúc là những thành tố, những vị trí có khả năng tác động mạnh mẽ tới con người nhiều nhất. Khi quan sát công trình, chúng ta thường bị thu hút và quan tâm tới chi tiết liên kết, các khớp nối xem chúng được xử lý như thế nào. Ở đó diễn ra sự cảm nhận của chúng ta qua những thái độ khác nhau một cách rõ ràng nhất. Ngay khi quan sát một chi tiết mối nối kiến trúc, trong chúng ta lập tức có sự phản ứng với nó qua những thái độ và tình cảm khác nhau, tùy thuộc vào sự liên kết hợp lý hay liên kết một cách gượng ép giữa các cấu kiện.
Vậy nên, ở đây xin đề xuất một sự duy lý về hình thức, cụ thể là sự duy lý về hình thức mối nối liên kết các cấu kiện trong kiến trúc. Thiết nghĩ với quan niệm duy lý đó về mối nối của các cấu kiện, ta có thể giải thích được những khúc mắc trong kiến trúc đương đại, ví dụ như những hình thức mà lâu nay cho là thừa thải, hoặc là “đồ giả” trong kiến trúc, nhưng kỳ thực nó đóng vai trò quan trọng tạo cảm giác dễ chịu, thân thiện, hợp lý khi hiện diện trong tổng thể chung đó. Qua đó, nó góp phần đánh thức xúc cảm của con người và khả năng giao tiếp của kiến trúc với con người.
Thừa nhận quan niệm đó, ta có thể dễ dàng phát hiện, ứng dụng, học tập các mối nối duy lý từ các cấu kiện của kiến trúc truyền thống vào kiến trúc đương đại một cách mới mẻ và đậm bản sắc.
Quan niệm…
Cấu kiện a - mối nối - cấu kiện b - mối nối - cấu kiện c,…
Sự hợp lý các mối nối ở đây thể hiện khả năng giao tiếp rất cao và sự diễn cảm tác động mạnh mẽ đến tình cảm của con người.
Một ví dụ đơn giản nhất là liên kết hai cấu kiện bất kỳ bằng một sợi dây buộc chặt hai cấu kiện ấy lại với nhau. Yếu tố sợi dây chính là yếu tố trung gian liên kết hai cấu kiện ấy. Điều đó thể hiện sự hợp lý một cách rõ ràng nhất trong tiềm thức của con người vì từ bao đời nay chúng ta vẫn hay liên kết các cấu kiện với nhau theo cách đó. Nó tác động vào trực quan của chúng ta và tạo cho ta một sự an tâm về sự bền vững của liên kết ấy. Ngược lại, nếu không có sợi dây trong tổ hợp liên kết đó sẽ cho cảm giác bất an về sự bền vững, ở đó sẽ diễn ra sự bất hợp lý trong trực giác quen thuộc của chúng ta, ví như hai cấu kiện chỉ được đặt tiếp xúc với nhau chứ hoàn toàn không có sự kết nối hay ràng buộc chúng với nhau trong một tổ hợp mặc dù ta có thể dùng đinh liên kết hai cấu kiện với nhau như trường hợp đầu trong hình trên.
Quan niệm đề xuất ở đây là đề cao, chú trọng sự giao tiếp với công chúng bằng những hình ảnh, những ký ức, những cảm nhận quen thuộc từ xưa tới nay. Sự hợp lý đó là sự hợp lý trong cảm nhận và ký ức của con người. Cần thiết phải xử lý các mối nối của các chi tiết kiến trúc một cách hợp lý từ hình thức đến sự hợp lý trong suy nghĩ của con người xưa nay. Sự dễ chịu và an tâm trong nhận thức phải được chú trọng hàng đầu. Theo đó các mối nối phải thể hiện được sự thân thiện, dễ chịu, quen thuộc và gần gũi trong suy nghĩ của người đối diện cảm nhận nó. Cũng có nghĩa là chú trọng sự hợp lý về hình thức của sự liên kết các cấu kiện hơn là sự hợp lý về tính năng của vật liệu. Khả năng liên kết tại các mối nối của các vật liệu hiện nay là vô cùng lớn và vô cùng đa dạng; tuy nhiên, những liên kết đó trong kiến trúc đương đại đa phần chưa thể hiện được sự hợp lý vốn đã từng quen thuộc trong tiềm thức, cũng một phần do các kiến trúc sư hiện nay chưa đặt vấn đề với nó và chưa xử lý nó một cách triệt để. Sự hời hợt đó do lệ thuộc vào tính năng vật liệu đã làm cho kiến trúc đương đại thiếu hẳn đi sự tinh tế và mất đi yếu tố mỹ cảm trong giao tiếp với công chúng. Giá trị của sự duy lý ở các mối nối cần được xác lập lại đồng thời cần xem xét một cách rõ ràng phương cách duy hình thức liên kết giữa các cấu kiện hơn là duy tính năng vật liệu.
từ học tập kiến trúc truyền thống…
Nhìn vào kiến trúc truyền thống, chúng ta thấy được sự duy lý từ các chi tiết mối nối kiến trúc được thể hiện một cách rõ ràng. Ở đó cho phép sự cảm nhận kiến trúc được liên tục và trọn vẹn nhất dù đôi khi có những trang trí hơi cầu kỳ. Chúng ta thường hay nhắc đến cái gọi là dấu ấn của thời đại nhưng phải chăng cái dấu ấn thời đại ấy chỉ có thể lưu dấu khi nó giao tiếp tốt với công chúng và nó chỉ thực sự lưu dấu trong ký ức quen thuộc của chúng ta. Các mối nối từ hệ kết cấu của dòng kiến trúc dân gian (nhà ở dân gian quy mô nhỏ trong các làng xã cổ truyền) hay dòng kiến trúc chính thống (kiến trúc cung điện, dinh thự, kiến trúc tôn giáo như đình, chùa,…) thể hiện tính hợp lý, rõ ràng của liên kết.
Ở đây, chỉ xin bàn đến sự hợp lý trong cảm nhận về hình thức của sự liên kết tại các mối nối, chứ không bàn về tính năng của vật liệu trong sự liên kết. Theo quan niệm đó, ta dễ dàng nhận ra ở hệ kết cấu truyền thống luôn là các dầm mút thừa (liên kết giữa cột-kèo, cột-trính, cột-xiên), hoặc giữa cột với nền nhà luôn có tảng kê chân cột (biểu hiện của sự liên kết giữa các cấu kiện khác chất liệu). Hoặc như các hệ xà, kẻ, bẩy,… cũng thể hiện sự hợp lý của các mối nối liên kết các thành phần cấu kiện một cách hoàn hảo.
Ta nhận thấy rằng luôn có yếu tố trung gian liên kết các cấu kiện với nhau trong kiến trúc truyền thống. Ví dụ yếu tố con sẻ trong liên kết giữ cột với kèo, trính, xiên,… là yếu tố trung gian trong liên kết mà khi nhìn vào đó ta thấy được sự hợp lý của liên kết. Sự liên kết đó chính là: cấu kiện vì kèo và cấu kiện cột được liên kết với nhau bởi yếu tố liên kết trung gian là con sẻ. Hay như giữa cột với nền luôn có tảng kê chân cột làm nhiệm vụ trung gian cho ta thấy sự hợp lý của mối nối. Và sự hợp lý ở đây là sự hợp lý trong ý niệm của chúng ta, ta yên tâm vì chúng có sự kết nối phù hợp làm cho hệ cấu trúc thêm vững chắc hay dễ chịu. Chúng ta thử đặt trường hợp ngược lại nếu không có yếu tố trung gian liên kết con sẻ và tảng kê chân cột trong hai mối nối trên sẽ gây cảm giác khó chịu cho người thưởng lãm cũng như người sử dụng công trình kiến trúc mặc dù ta có nhiều cách để xử lý sự ổn định cho hệ cấu trúc nhưng đó chính là sự hợp lý quen thuộc trong tiềm thức của chúng ta.
Ở kiến trúc cổ phương Tây ta cũng dễ dàng nhận rõ sự hợp lý trong việc xử lý các mối nối. Hãy học hỏi ở các thức về việc xử lý các mối nối đó; mối nối giữa cột với nền, cột với phần mái, hay mối nối giữa các thành phần của khối mái với nhau,…Ta hãy xem giữa cột với nền luôn có phần đệm như tảng kê chân cột trong kiến trúc truyền thống Việt nam làm nhiệm vụ trung gian liên kết, giữa thân cột với khối mái cũng có thành phần tương tự, hay giữa các thành phần của khối mái với nhau ta cũng dễ dàng nhận ra được các yếu tồ đệm trung gian trong liên kết.
…đến ứng dụng vào kiến trúc đương đại
Kiến trúc đương đại ngày nay quá chú trọng các đặc tính của vật liệu hiện đại mà quên đi những hình ảnh của sự hợp lý quen thuộc với công chúng. Các mối nối ngày nay được chắc lọc, loại bỏ các chi tiết rườm rà một cách sạch sẽ và nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sự lược bỏ đó dễ gây ra một sự lạ lẫm, khó chịu cho sự cảm nhận của con người. Theo quan niệm riêng, kiến trúc chỉ thật sự đạt đến chân giá trị khi nó có khả năng giao tiếp tốt với con người và qua sự giao tiếp đó nó dễ dàng gây được sự rung cảm về tính quen thuộc, hợp lý với các ý niệm thẩm mỹ quen thuộc của con người; còn những sự phá cách chỉ gây hiệu ứng tạm thời.
Nói như Đoàn Khắc Tình thì “khi tạo ra bất kỳ đối tượng cấu trúc nào con người đều khao khát không chỉ đạt lợi ích hiệu quả cụ thể, mà còn mong đạt tới một hiệu quả thứ cấp làm cho tri giác và nhận thức trở nên rõ ràng” (Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết Kiến trúc và Design, Nhà xuất bản giáo dục, 1999). Vấn đề của mối nối liên kết các cấu kiện trong kiến trúc cũng nằm trong mối quan tâm chung ấy, và hơn thế nữa các mối nối đóng vai trò quan trọng trong cảm nhận của con người. Sự hợp lý của các mối nối trong các kiến trúc đương đại ngày nay là cần thiết và là đòi hỏi chính đáng. Sự hợp lý ở các mối nối sẽ tạo nên cái “hiệu quả thứ cấp” đầy giá trị, nó đánh thức xúc cảm và làm cho nhận thức của con người trở nên rõ ràng.
Hãy xem các công trình của KTS Richard Meier với bút pháp lạ lẫm nhưng khá thú vị mà đôi khi ta chưa giải thích được. Thật sự nếu ta nhìn nhận sự duy lý với quan niệm như trên thì ta hoàn toàn có cơ sở để cảm nhận và giải thích nó. Các dầm mút thừa vươn ra ở các vị trí trổ cửa một cách hết sức vô lý, các ban công luôn có phần thừa mà không có tác dụng gì trong việc chịu lực của cấu trúc chung đó. Đó là một sự thiếu duy lý? Thật ra, chính những yếu tố đó tạo cảm giác dễ chịu cho người thưởng lãm nó. Đó chính là sự duy lý của các mối nối mà bút pháp tài tình của KTS Richard Meier đã thể hiện trọn vẹn nó. Quan sát các các mối nối giữa các cấu kiện đó, người xem cảm nhận được sự an tâm, sự hợp lý trong ý niệm của mình. Thử đặt trường hợp ngược lại, nếu không có các dầm mút thừa đó hay các phần thừa ở các ban công đó thì sẽ như thế nào? Lúc đó sẽ quay về đúng với những gì mà Kiến trúc Hiện Đại đã từng cổ súy và lâm vào khủng hoảng. Do sự quá cô đọng đó gây cảm giác xa lạ với công chúng. Ở đây, bút pháp của KTS Richard Meier đã thể hiện một sự duy lý về hình thức liên kết ở các mối nối của các cấu kiện một cách tài tình và hợp lý. Nó đem lại xúc cảm gần gũi và dễ chịu cho người chiêm ngưỡng nó. Đó chính là sự duy lý trong ý niệm và xúc cảm của con người về mối nối liên kết các cấu kiện trong kiến trúc.

Cũng như vậy, ta hãy xem những công trình của KTS Tadao Ando để thấy ông cũng rất tài tình trong việc xử lý các mối nối giữa các cấu kiện cùng chất liệu. Chất liệu trong tác phẩm của ông là bê-tông cốt thép và ta tìm thấy ở đó cách xử lý tuyệt vời ở các mối nối. Việc thấm nhuần những giá trị của kiến trúc truyền thống đã giúp Tadao Ando có những cách xử lý trọn vẹn các mối nối trong tác phẩm của mình. Các mảng tường bê-tông của Tadao Ando có một cách liên kết khác lạ và rất thú vị bằng một yếu tố chất liệu trung gian là ánh sáng. Khoảng hở của các mảng tường để cho ánh sáng lọt vào tạo nên một hiệu quả mới mẻ cho mối nối. Người thưởng lãm kiến trúc tìm thấy được tất cả sự thú vị qua bút pháp của Tadao Ando; cả sự hợp lý từ trực quan đến sự hợp lý trong tư duy bằng lý trí. Tính quen thuộc, gần gũi và cả tính triết lý hàn lâm đều hàm chứa trong tác phẩm của Tadao Ando. Một sự hợp lý đầy thú vị của các mối nối cùng chất liệu và cả chất liệu trung gian liên kết nữa.
Vậy nên ta thấy rằng quan niệm duy lý về các mối nối kiến trúc sẽ tạo ra một góc nhìn mới về kiến trúc. Qua đó các kiến trúc sư sẽ dễ dàng xử lý những mối nối hợp lý và tạo cảm giác dễ chịu cho người thưởng lãm công trình kiến trúc. Đồng thời theo quan niệm đó ta cũng có thể giải thích được những điều mà trước nay ta thường hiểu theo nghĩa là thừa thải, là “đồ giả” trong kiến trúc mà thật sự nó có đóng góp không nhỏ vào cả tổ hợp không gian kiến trúc. Tuy nhiên điều đó cũng còn tùy vào khả năng xử lý mối nối của kiến trúc sư chứ không phải những sự thừa thải nào cũng được chấp nhận mà phải là những sự thừa có chủ ý và có mục đích.
Mối nối ở đây thể hiện khả năng giao tiếp, thể hiện tính hợp lý trong ý niệm và tiềm thức của con người, ở đó con người có thể hiểu được kiến trúc, gần gũi và chiêm ngưỡng kiến trúc với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau. Ngược lại, đến lượt mình kiến trúc đã góp phần đánh thức tri giác, xúc cảm, khả năng thụ cảm thẩm mỹ của con người. Sự thi vị của kiến trúc phải chăng bắt nguồn từ đó!

Tp.HCM, 01-2011

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thanh Sơn, Một số xu hướng kiến trúc đương đại nước ngoài, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Lưu hành nội bộ, 2008
2. Andrew Peckham, Charles Rattray & Torsten Schmiedeknecht, Rationalist Traces, Wiley.com, 2007
3. Philip Jodidio, Architecture in Japan, Taschen, IBSN 3-8228-5184-1,2006
4. Philip Jodidio, Richard Meier, Taschen
5. Đoàn Khắc Tình, Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trong lý thuyết kiến trúc và design, Nhà xuất bản giáo dục, 1999

Nhận xét

Bài đăng phổ biến