TÍNH ĐA HỢP TRONG KIẾN TRÚC
Ths.KTS Nguyễn Khanh Toàn
Lê Thanh Sơn,
Kiến trúc & hiện tượng cộng sinh văn hóa,
…Từ cấu trúc bản thể
Kiến trúc thế giới trải qua bao biến động mạnh
mẽ nhằm tìm ra chân giá trị với vô
vàn những tranh biện từ lý luận cho đến
thực hành. Những tranh biện ấy không nằm ngoài mục đích kiến giải cho vấn đề
kiến trúc là gì hay bản thể của kiến trúc là gì nhằm tạo cơ sở cho thực hành kiến
trúc. Bởi vì “khi tạo ra bất kỳ đối tượng
cấu trúc nào con người đều khao khát không chỉ đạt lợi ích hiệu quả cụ thể, mà
còn mong đạt tới một hiệu quả thứ cấp làm cho tri giác và nhận thức trở nên rõ
ràng”[7] và “kiến trúc
và nghệ thuật ứng dụng ảnh hưởng hàng ngày tới việc hình thành thị hiếu thẩm mỹ…(nó)
giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, là những nhân tố tác động liên tục đối với sự phát
triển thẩm mỹ - nghệ thuật của chúng ta”[2]. Qua đó, cho thấy giữa kiến trúc và con người luôn có
sự tương tác thường xuyên và liên tục; con người tạo ra kiến trúc nhằm đáp ứng cho
nhu cầu và thị hiếu của mình, và ngay khi đó, kiến trúc lại tác động đến chính
nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của con người. Tuy nhiên, mỗi tác giả, mỗi trào
lưu, mỗi giai đoạn,…có một cách luận giải và quan niệm khác nhau tạo nên một bức
tranh đa sắc cho kiến trúc trong tiến trình phát triển, dần tiệm cận đến giá trị
và bản chất.
Trong “Tư
tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu”, Cao Xuân Huy có cách
nhìn sự vật toàn cục một cách rất biện chứng bằng phương thức chủ toàn, mà theo đó,“toàn thể quyết định bộ phận; toàn thể không phải chỉ là tổng số của bộ
phận, nghĩa là các bộ phận cộng lại không nói hết được cái nội dung của toàn thể
- đặc tính của một bộ phận bị quyết định bởi quan hệ của nó đối với toàn thể và
đối với các bộ phận khác”[1]. Với cấu
trúc kiến trúc, ta có thể luận giải các
quan hệ của nó theo cái nhìn toàn diện này. Đây là điều cần thiết, bởi chỉ
như vậy mới nhận thấy hết mối tương quan phức tạp của nó trong sự thống nhất
các quan hệ cấu thành bộc lộ qua cái hình hài vật lý thông thường kia. Xét ở cả
hai mặt, hình thức và nội dung, ta nhận ra các yếu tố tác động cụ thể làm định
hình kiến trúc. Về hình thức, trong cảm
nhận thị giác ban đầu khi tiếp xúc với công trình, ta có thể nhận ra các yếu tố
như màu sắc, chất liệu, cấu trúc hình khối, hình thức cấu kiện tổ hợp, kết cấu,…tác
động làm định hình công trình. Những yếu tố biểu đạt trực quan này định hình
nên cái vỏ mang đặc trưng sắc thái của từng công trình tạo nên tính biểu cảm
trong nhận thức của con người về lý tính của cấu trúc vật thể. Ở đây thể hiện tất
cả những tính chất hình học, sự biểu cảm chất liệu, sự tương quan tỷ xích,…của
cấu trúc mà kiến trúc sư luôn phải tương tác và suy nghĩ ngay trong quan điểm, lý
luận, thực hành thiết kế. Về
nội dung, ta nhận ra những giá trị ẩn
tàng qua sự dung hợp, gắn kết trên hình thức cấu trúc đó như nhu cầu công năng
sử dụng, công năng tinh thần, tín ngưỡng, giá trị lịch sử, đặc trưng bản địa, tính
thời đại,…đã làm nên đặc tính văn hóa, đặc trưng thể loại cùng sự đúc kết giá
trị mà ta gọi là bản sắc và tinh thần thời đại. Và tất cả các yếu tố này, ở cả
hình thức và nội dung, luôn đan cài, hỗn dung, thống nhất trong suốt quá trình
tồn tại của công trình kiến trúc. Điều quan trọng, đó không phải là sự cộng gộp của các yếu tố, mà nó dung hợp một cách biện chứng làm định
hình thực thể kiến trúc mang tính nhân
văn trong “đối thoại” với cuộc sống con người. Nói như Trương Quang Thao
thì các yếu tố ấy không phải “ở tư thế
cái này cộng với cái kia, cái này ở trong cái kia mà cái này vừa là cái kia.
Hiện tượng này được Venturi phát hiện và gọi đó là hiện tượng nhập nhằng (ambiguity), nước đôi (equivocity), hay vừa là-vừa là (both-and)”[6] hoặc như Lê Thanh Sơn thì “kiến trúc được tạo nên không chỉ là một cái “vỏ” vật chất cho các mục
tiêu sử dụng, mà cái “vỏ”vật chất ấy còn phải là nơi tàng trữ, tiềm ẩn các
thông tin, tín hiệu văn hóa hoặc tâm linh, ước vọng của các dân tộc, của các nền
văn hóa”[4]. Bởi nó
không chỉ thể hiện bản chất thông thường của một cấu trúc vật chất mà còn dung hợp cấu trúc tinh thần hòa nhập vào cuộc sống; chính điều này làm cho
kiến trúc thực sự trở nên sinh động, thiết yếu, gần gũi và nhân văn trong tương
tác với đời sống xã hội của con người.
Rõ ràng kiến trúc cũng như văn hóa hay kiến
trúc cũng là văn hóa, đều là sản phẩm của quá trình hoạt động sáng tạo có ý thức
của con người trong tiến trình phát triển. Rồi cũng tùy thuộc vào nhu cầu và đặc
trưng trong quan niệm về vũ trụ quan, thế giới quan ở từng vùng miền, từng khu
vực khác nhau cùng với những chất liệu kiến tạo địa phương, trình độ kỹ thuật
xây dựng mà hình thành nên những kiểu thức kiến trúc khác nhau đáp ứng nhu cầu
và thị hiếu thẩm mỹ của con người. Điều này đã được minh chứng trong tiến trình
lịch sử kiến trúc thế giới. Cũng chính vì thế mà kiến trúc không thể là cấu
trúc có giá trị mang tính quốc tế như Chủ nghĩa Kiến trúc Hiện đại từng cổ súy
để rồi phải lâm vào khủng hoảng vào nửa cuối thế kỷ XX – một ví dụ cho sự phát
triển áp đặt, không theo quy luật. Ngược lại, kiến trúc phải là cấu trúc giá trị
mang tính đặc trưng của từng vùng miền, từng khu vực. Tất nhiên luôn có những “va
chạm”, ảnh hưởng, tiếp biến và ngay cả lấn át trong quá trình tiếp xúc giữa các
nền văn hóa với nhau trong sự phát triển của kiến trúc. Những “va chạm” này tạo
nên sự đa dạng cho kiến trúc và là điều kiện cần thiết để cho những yếu tố đặc
trưng nhất của kiến trúc ở mỗi vùng miền, mỗi dân tộc được biểu hiện, bộc lộ rõ
nét. Tính chất và sự tương tác này tạo nên giá trị bản sắc trong kiến trúc của
mỗi quốc gia, mỗi dân tộc mà ngày nay ta luôn kêu gọi gìn giữ trong thời kỳ hội
nhập.
Theo
hướng tiếp cận đó, ta thấy rằng kiến trúc rõ ràng là cấu trúc được định hình từ
sự dung hợp, tương tác của hai nhân tố vật
thể và giá trị phi vật thể. Trong
nhân tố vật thể, kiến trúc biểu đạt bằng
những đặc trưng hình học, tính chất vật lý của chất liệu kiến tạo, sự biểu cảm
của màu sắc, kích thước, cấu trúc hình học,…làm định hình công trình mà ta có
thể gọi chung vật thể vật lý. Song song đó, những giá trị phi vật thể được con người cài đặt, gửi gắm vào tạo nên “tiếng
nói” của công trình nằm ở những giá trị tinh thần và những tác động mang tính
xã hội như đã nói ở trên. Cấu trúc Vật lý
– Tinh thần – Xã hội này luôn tương tác lẫn nhau tạo nên kiến trúc và giá
trị của kiến trúc.
Như vậy, sự hỗn dung các quan hệ của kiến trúc là điều hiển nhiên, nó là bản chất
của kiến trúc, là điều làm nên giá trị cho
công trình. Nó là sản phẩm sáng tạo của con người, là cấu trúc vật thể phục vụ
cho nhu cầu ở, đối phó với những tác động từ tự nhiên của con người; đồng thời,
nó phản ánh nhận thức xã hội nên, một
cách tổng quan hơn, nó chính là sản phẩm của xã hội. Và trong sự sáng tạo đó,
con người lại đan cài những ý nghĩa tinh thần nhằm thể hiện những ý
niệm trong nhận thức của mình về cuộc sống. Cụ thể, kiến trúc là sự hỗn dung của cấu trúc tam nguyên Vật lý - Tinh thần - Xã hội hay ở cấp độ
tổng quan hơn nó được cấu thành từ sự tương tác của hai nhân tố vật thể và giá trị phi vật thể. Tất cả các yếu tố này cùng song song tồn tại
và luôn tương tác lẫn nhau làm định hình kiến trúc. Vậy, với sự biểu hiện bản
chất đó, ta thấy rằng kiến trúc là một thực
thể đa hợp.
Đến những tranh biện mang quan điểm
cá nhân…
Các lý luận mang tính nhận định về bản thể của
kiến trúc được nhiều kiến trúc sư phát biểu và thể nghiệm trong thực hành kiến
trúc của mình làm nên những ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến lý luận cũng như
“diện mạo” của nền kiến trúc thế giới. Trong đó, tính đa hợp được nhìn nhận như là bản chất của vấn đề với nhiều
phát biểu mang tính cá nhân của mỗi kiến trúc sư ở từng góc độ khác nhau.
Đó là sự phát hiện của Robert Venturi về biểu hiện “vừa là…vừa là” (both…and) trong kiến
trúc xuất phát từ cái nhìn đối lại quan điểm của Chủ nghĩa Hiện đại “chỉ là…chỉ là” (either…or). Với ông, kiến
trúc bao hàm nhiều sự “phức tạp và mâu
thuẫn” bởi những tương tác với nhu cầu của cuộc sống. Ở đó, nó không “thuần khiết”, “chỉ là” như quan điểm của Chủ nghĩa Hiện đại mà nó phải “bao gồm”, “vừa là” trong mối tương quan
với các khía cạnh như kỹ thuật, văn hóa - xã hội, lịch sử, nhận thức, quan niệm…như
là những gì thuộc về bản chất của cuộc sống. Nói cách khác kiến trúc là một thể đa hợp trong sự hợp nhất của nhiều yếu
tố cấu thành, chứ không là một thể đơn nhất được tạo ra bởi tính “loại trừ” triệt
để như Kiến trúc Hiện đại.
Ở một phát biểu khác, Kenzo Tange đưa ra chủ thuyết của mình qua tam nguyên “Công
năng - Kết cấu - Biểu tượng”. Có thể nói ông đã nhận ra những giá trị
thuộc về bản thể của kiến trúc và biểu hiện của nó trong quá trình tương tác với
nhu cầu cuộc sống của con người cả về công năng sử dụng lẫn những giá trị ở chiều
sâu văn hóa tinh thần. Yếu tố Biểu tượng
có thể nói là một quan niệm mà Kenzo Tange đã nhìn nhận ra và đưa kiến trúc dần
trở về đúng bản chất vốn có của nó. Ở đó, nó mang những giá trị thiết thực từ
nhu cầu của cuộc sống trong quá trình thích ứng với tự nhiên mà dần định hình
nên; đồng thời, đó là những nét riêng và đặc trưng nhất của từng cộng đồng, dân
tộc trong “văn hóa ở” và “nghệ thuật cư trú”. Biểu tượng mà Kenzo Tange đề cập đến
chính những giá trị đặc trưng truyền thống
luôn gắn kết và biểu hiện trong kiến trúc hôm nay. Một cách chung nhất, ta nhận
ra kiến trúc phải là một thể đa hợp
trong tương tác với cuộc sống của con người; nó chuyển tải song song cùng lúc
những giá trị của thời đại lẫn những nhân tố truyền thống đặc trưng của từng
dân tộc.
Hay trong lý luận của mình, Kisho Kurokawa lại đề cập đến vấn đề Cộng
sinh văn hóa trong kiến trúc bao gồm sự cộng sinh “giữa Đông và Tây, giữa quá khứ và hiện tại và giữa các nền văn hóa với
nhau” mà biểu hiện cụ thể là “thừa nhận” sự cùng tồn tại, cùng “sống
chung” của các yếu tố văn hóa trong công trình kiến trúc[3]. Ông chủ trương kiến trúc không nên quá rõ ràng về
không gian mà phải “tạo ở đấy những yếu tố
nhập nhằng và tối nghĩa”[5]. Trong đó, có thể thấy với Kurokawa thì kiến trúc là
một thể cộng sinh của nhiều yếu tố
bao gồm những yếu tố cơ bản cấu thành thuộc về kỹ thuật, vật liệu,…và đặc biệt
là các yếu tố văn hóa cùng dung hợp
trong công trình.
Hoặc với Lê
Thanh Sơn, trong Luận án tiến sĩ, năm 2000, lại có cái nhìn kiến trúc từ
góc độ hỗn dung của ba vật thể Vật
lý - Tinh thần - Xã hội. Và đó là các khía cạnh mà chủ thể kiến trúc thể hiện những liên hệ tương
tác hoặc biểu hiện ở bản chất của nó. Sự phân tách ba vật thể ở đây nhằm mục đích phân tích và nhận xét thấu đáo vấn đề
trong các mối tương quan giữa chúng với kiến trúc; nhưng thực chất, ba vật thể này cùng song song tồn tại và
tương tác bổ sung một cách biện chứng trong kiến trúc nói chung và trên thực thể
mặt đứng công trình nói riêng. Có thể nói, với cách tiếp cận này, Lê Thanh Sơn
đã đưa ra được một phương thức nhìn nhận và phân tích cặn kẽ vấn đề thuộc về bản
thể của nghệ thuật kiến trúc dựa trên sự tương tác của ba vật thể. Bằng cách đó, có thể giúp cho chúng ta có một cơ sở vững
chắc và một cái nhìn rõ ràng mang tính hệ thống trong lý luận lẫn thực hành.
Hơn hết, ta nhận ra rằng, nghệ thuật kiến trúc nói chung và thực thể mặt đứng
công trình nói riêng là một thể đa hợp
được cấu thành từ sự tương tác của cấu trúc Vật
lý - Tinh thần - Xã hội.
Rõ ràng, các tác giả trên dù có những phát biểu và cách nhìn vấn đề ở
các góc độ khác nhau nhưng vẫn cho thấy bản chất của kiến trúc là một thể đa hợp. Đó là sự hỗn dung các yếu tố vật thể lẫn phi vật thể
trong cùng một công trình làm nên những giá trị đặc trưng, riêng biệt và đa dạng
vô cùng cho nghệ thuật kiến trúc. Các yếu tố vật thể là những thành tố cơ bản cấu thành nên công trình mang dấu ấn
của sự phát triển, những giá trị và trình độ nhận thức đương thời; đồng thời,
các yếu tố phi vật thể góp phần làm
nên giá trị bản sắc đặc trưng, riêng biệt của từng cộng đồng hay khu vực,…Đó là
những giá trị mà kiến trúc chuyển tải, biểu đạt như là những gì thuộc về bản thể
của nó.
Và
những minh chứng trực quan từ thực tiễn…
Trong tiến trình phát triển, kiến trúc luôn được định hình bởi sự tương tác, chi phối của nhiều yếu tố,
trong đó nổi bật là các yếu tố như nhu cầu
sử dụng, quan niệm thẩm mỹ, vật liệu, kỹ thuật xây dựng,…mà chúng ta đã biện
giải và đúc kết được thành cấu trúc lưỡng hợp Vật thể - Phi vật thể cùng bản chất dung hợp qua tam nguyên Vật lý – Tinh thần – Xã hội ở trên. Tất
cả chúng luôn tương tác lẫn nhau trong suốt quá trình tồn tại làm cho công
trình hiện hữu trong đời sống con người là một cấu trúc có bản chất đa hợp.
![]() |
Hình 1. Đấu trường Colosseum |
![]() |
Hình 2. Nhà thờ Đức bà Paris |
![]() |
Hình 3. Seagram Building |
![]() |
Hình 4. Mối nối duy lý |
![]() |
Hình 5. Chùa Một Cột - Việt nam |
![]() |
Hình 7. Nhà ở Nam bộ - Việt nam |
![]() |
Hình 6. Nhà ở Bắc bộ - Việt nam |
![]() |
Hình 8. Dây Shimenawa (Đền thờ Thần đạo) |
![]() |
Hình 9. Đền thờ Thần đạo - Nhật Bản |
Và,
còn nhiều công trình khác nữa mà khi phân tích ta đều nhận ra sự hỗn dung từ sự
tương tác của cấu trúc Vật lý – Tinh thần
– Xã hội này,…sự minh chứng cho bản chất đa hợp của kiến trúc.
* * *
Như vậy, kiến trúc rõ ràng được cấu thành từ nhiều mối quan hệ phức tạp,
mang trong nó những giá trị vật chất
lẫn tinh thần, nó chuyển tải những giá trị nhân văn và quan hệ xã hội ngoài giá trị vật chất cụ thể. Rõ ràng nó biểu
hiện dung hợp các yếu tố vật thể lẫn phi vật thể trong quá trình tồn tại và điều đó thuộc về bản thể của
nó; tức là những giá trị đó tồn tại
và biểu hiện tính chất cùng với sự tồn tại của mặt đứng ngay từ lúc kiến trúc định
hình. Trong tiến trình phát triển, những biểu hiện đó liên tục thay đổi theo từng
giai đoạn bởi chịu sự chi phối vào quan niệm, nhận thức của con người, sự phát triển của kỹ thuật xây
dựng và vật liệu kiến tạo ở từng thời kỳ. Sự thay đổi này là tất yếu của quá
trình phát triển, và theo đó kiến trúc ngày càng tiến triển bằng sự dung hợp
các yếu tố mang tính thời đại và cả những nhân tố truyền thống, bản địa đặc
trưng. Đó là bản chất, và rằng, kiến trúc là một thể đa hợp.
TP. Hồ Chí Minh,
Tháng 09 năm 2012
Tài liệu tham khảo
[1]. Cao
Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông gợi những
điểm nhìn tham chiếu, Nhà xuất bản khoa học xã hội, 2003
[2]. Nguyễn
Khởi, Bảo tồn và trùng tu các di tích kiến
trúc, Nhà xuất bản xây dựng, Hà nội, 2002
[3]. Lê
Thanh Sơn, Hiện tượng cộng sinh văn hóa
giữa tính truyền thống và tính hiện đại trong kiến trúc Việt nam từ cuối thế kỷ
XIX - giữa thế kỷ XX, Luận án tiến sĩ, TP.HCM, 2000
[4]. Lê
Thanh Sơn, Kiến trúc & hiện tượng cộng
sinh văn hóa, Trường đại học kiến trúc TP.HCM, Lưu hành nội bộ, 1999
[5]. Lê
Thanh Sơn, Một số xu hướng kiến trúc
đương đại nước ngoài, Trường đại học kiến trúc TP.HCM, Lưu hành nội bộ,
2001
[6]. Trương
Quang Thao, Bản chất cộng sinh văn hóa của
kiến trúc hay kiến trúc là gì ?, Hà Nội, 2001
[7]. Đoàn
Khắc Tình, Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật
trong lý thuyết kiến trúc và design, Nhà xuất bản giáo dục, 1999
[8]. Và
các nguồn – hình ảnh khác từ internet,…
Nhận xét
Đăng nhận xét